Phòng, chống sản phẩm văn hoá xấu độc trên không gian mạng

Để gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc, một mặt phải không ngừng chăm lo, xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp, mặt khác cần phải kiên quyết ngăn ngừa, phòng, chống, đẩy lùi các tàn dư văn hóa cũ, các sản phẩm “phi văn hóa”, “phản văn hóa” (gọi chung là sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng).







Ảnh minh hoạ.

 
NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN
 
Ngày nay, các thế lực thù địch tiếp tục âm mưu “đầu độc” nhân dân Việt Nam bằng phương thức, thủ đoạn mới với mục tiêu không thay đổi, bởi mục tiêu cuối cùng của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa Việt Nam phát triển theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra tính nguy hại của văn hóa tư sản đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong bài viết Văn hóa Mỹ hay là thuốc độc tinh thần, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1939, ngày 31/10/1951, Người cảnh báo: “Báo Nữu Ước (21/3) viết: Sở thông tin Mỹ ở Sài Gòn mỗi tháng phát cho người Việt Nam hàng chục vạn truyền đơn, sách nhỏ, tranh ảnh, sách giáo khoa, lịch sử Mỹ, v.v. Sở thông tin Mỹ sắp in hơn 30 vạn quyển sách bằng tiếng Việt để tuyên truyền chống cách mạng, chống kháng chiến, mở những phòng xem sách, xem báo, những lớp dạy tiếng Anh. Chúng “giúp đỡ” các báo chí Việt gian tuyên truyền “văn hoá” Mỹ. Nói tóm lại: Mỹ đang ra sức đầu độc người Việt Nam bằng “văn hoá” Mỹ? Ta phải kịch liệt chống thứ “văn hoá” Mỹ đó” (1).
 
Để thực hiện âm mưu này chúng lợi dụng tối đa những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại để phổ biến sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng, nhất là trên internet và mạng xã hội với nhiều chiêu thức mới, tinh vi. Mục tiêu này được thực hiện thông các thủ đoạn chủ yếu sau:
 
Chúng sử dụng các trang web, blog, các tài khoản mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, Zalo, các diễn đàn, báo điện tử, đài phát thanh để khuếch trương thanh thế, cổ xúy các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai cùng những hành vi phản nhân văn, phi tiến bộ để tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất tầm thường của mỗi người. Qua đó, từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, làm cho một số người sao nhãng nghĩa vụ, trách nhiệm, khơi dậy bản năng thấp hèn, chạy theo lạc thú, lợi ích vật chất, chỉ lo “cái tôi” mà quên đạo nghĩa, quay lưng lại với truyền thống và những giá trị hiện hữu tốt đẹp của dân tộc.
 
Không những vậy, chúng còn gia sức “xâm lăng văn hóa”, cổ xúy các giá trị văn hoá phương Tây, gieo rắc quan điểm, tư tưởng, lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, sùng ngoại, tạo tâm lý hưởng thụ, qua đó từng bước chuyển hoá tư duy, nếp nghĩ, quan điểm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ theo hướng đối lập với quan điểm, tư tưởng của Đảng và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, hướng lái nước ta theo văn hóa tư sản, cuối cùng là thúc đẩy Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Thực chất đây là một phương thức tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa đối với cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Chúng tìm mọi cách phủ định hoặc làm hạn chế đến mức thấp nhất các giá trị tinh hoa văn hoá Việt Nam vốn là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay như: Phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa, làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước, bán nước…
 
Các thế lực thù địch tiếp cận, phỏng vấn, đặt bài những kẻ cơ hội chính trị, trí thức, văn nghệ sĩ “trở cờ”… thực hiện “cái gọi là” phản biện, tuyên bố, tâm thư, góp ý với ý đồ phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hoá, nghệ thuật; phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa, văn nghệ và đòi tách lĩnh vực này ra khỏi đời sống chính trị, xã hội của đất nước; phủ định văn học cách mạng, lôi kéo các văn nghệ sĩ đi theo các trào lưu văn hoá phương Tây, coi nhẹ văn hoá, nghệ thuật truyền thống dân tộc.
 
ẢNH HƯỞNG CỦA SẢN PHẨM VĂN HÓA XẤU ĐỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG
 

Ảnh minh họa.
 
Tác động của các sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng hết sức nguy hiểm, có mặt nghiêm trọng. Cụ thể là:
 
Thứ nhất, xuất hiện trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ sự ngộ nhận, hoang mang, dao động, thiếu niềm tin vào thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực văn hóa, ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Thứ hai, tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, làm mê muội con người, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng các loại văn hóa phẩm độc hại, nguyên nhân làm băng hoại đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội, làm cho không ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện giảm sút ý chí, hoang mang, dao động, xuất hiện “tự tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các mức độ khác nhau.
 
Thứ ba, dưới tác động của truyền thông xã hội đã làm nảy sinh các “giang hồ mạng”, các nhân vật mang biểu tượng xấu, các sản phẩm phi đạo đức, phản văn hóa, đặc biệt nguy hiểm xuất hiện hiện tượng“đám đông” cực đoan, khó kiểm soát.
 
Thứ tư, thông qua giao lưu trực tuyến và trực tiếp về văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật, báo chí… để thâm nhập, thu thập tin tức tình báo, mua chuộc cán bộ, chuyển hóa tư tưởng, cài cắm người vào các tổ chức của ta, móc nối với các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để chống phá Đảng và Nhà nước ta.
 
Thứ năm, nguy cơ đồng nhất về văn hóa, lối sống và làm cho con người, nhất là thế hệ trẻ dễ bị thay đổi thói quen, thị hiếu, dễ tự “đánh mất” gốc gác văn hóa, truyền thống, lịch sử của ông cha mình. Mấy năm trở lại đây, đã xuất hiện không ít hoạt động văn hóa giải trí có yếu tố nước ngoài, trong đó nhiều chương trình có biểu hiện lai căng, trái với thuần phong mỹ tục dân tộc, dễ làm cho công chúng ngộ nhận, mất phương hướng thẩm mỹ tích cực, thậm chí bị “tiêm nhiễm” những “vi-rút văn hóa độc hại” mà không hề hay biết.
 
Không phải bây giờ Đảng ta mới thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề tồn tại, huy hiểm của môi trường văn hóa độc hại, hay những biểu hiện sùng ngoại, lai căng văn hóa đã làm ảnh hưởng, xói mòn đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng ta từng cảnh báo: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị vǎn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Đề cập đến hậu quả của các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai xâm nhập vào nước ta, Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” đã cảnh báo nghiêm khắc hơn: “Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc”.
 
Từ những vấn đề được luận giải ở trên, việc phòng, chống ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng hiện nay là vấn đề cấp bách và cần quán triệt, thực hiện tốt một số nội dung sau:
 
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các ngành chủ quản và cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng trong các hoạt động về văn hóa, báo chí, xuất bản, hội thảo, tọa đàm về văn hóa, nghệ thuật. Trong đó chú trọng kiểm soát và quản lý chặt chẽ công tác in ấn, xuất bản, đưa tin…, ngăn chặn không để các loại ấn phẩm, văn hóa phẩm độc hại từ nước ngoài thẩm thấu và tán phát trên không gian mạng của nước ta.
 
Hai là, giữ vững tính định hướng chính trị của các hoạt động văn hóa. Đẩy mạnh và coi trọng chất lượng chính trị các hoạt động văn hóa, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các hoạt động văn hóa hòng làm thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam bằng hệ giá trị văn hóa tư sản. Đảm bảo các sinh hoạt văn hóa và hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng phải hướng vào phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Chống phi chính trị trong các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, biểu diễn, tích cực đấu tranh có hiệu chống các quan điểm sai trái, phản động.
 
Ba là, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật đưa tin, phát ngôn theo đúng quy chế, quy định đã ban hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện sai trái, làm sai của các cán bộ, đảng viên, không để kẻ địch lợi dụng, khoét sâu thêm.
 
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hoá, truyền thông, đặc biệt là các lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng.
 
Năm là, xây dựng cơ chế phối, kết hợp giữa các lực lượng của cả nước, bảo đảm sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
 
Sáu là, tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sánh và luật pháp về bảo đảm an toàn, an ninh mạng phù hợp. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để quản lý không gian mạng an toàn.
 
Bảy là, mỗi cá nhân phải thường xuyên tự giác lựa chọn giá trị trong tất cả các hoạt động, hành vi ứng xử cũng như việc tiếp nhận và sáng tạo văn hoá. Tích cực tu dưỡng nhằm “nội hoá” và tiếp biến các giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại vào nhân cách, đồng thời bồi dưỡng và phát triển giá trị văn hoá trong nhân cách là lẽ sống của mọi người.

 
 

Tác giả bài viết: T.H Ngân Hà - Ban Xây dựng Đoàn (Theo tuyengiao.vn)

Nguồn tin: tinhdoandienbien.vn (Lê Phong)