Đài thiên văn Hòa Lạc sắp mở cửa đón khách


Đài thiên văn Hòa Lạc sẽ chính thức mở cửa đón khách vào quý 2 năm nay. Khởi công từ năm 2015, Đài quan sát thiên văn Hòa Lạc có nhiệm vụ nghiên cứu về vật lý thiên văn và phổ biến kiến thức về khoa học vũ trụ tới cộng đồng; hỗ trợ đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ; hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu cùng lĩnh vực trong và ngoài nước.
 

Thiết bị quan sát chủ yếu của Đài thiên văn là kính thiên văn quang học phản xạ dạng Ritchey- Chretien có khẩu độ 50 cm, lớn nhất Việt Nam hiện nay. Khẩu độ này cho phép kính thu nhận được nhiều ánh sáng (nghĩa là nếu cùng một thời gian quan sát ở cùng một vùng trời, kính lớn phát hiện được nhiều vật thể sáng mờ nhạt hơn kính nhỏ, nếu cùng quan sát một vật thì kính lớn nhìn sáng hơn kính nhỏ và các chi tiết rõ ràng hơn kính nhỏ), để có thể nhìn thấy vật sáng mờ hơn gần 4.000 lần so với vật mờ mà mắt người nhìn thấy được và nhìn thấy vật có khoảng cách góc 0,5 arcsec, tương đương khoảng cách 1 km trên bề mặt Mặt Trăng. 

Ngoài ra, kính thiên văn được trang bị hai thiết bị hỗ trợ quan trọng là bộ máy phân tích phổ Echelle ES0007 và camera PL16801 chuyên dụng, cung cấp hình ảnh và quang phổ có độ phân giải phổ lớn (R=17000) trong vùng bước sóng rộng (2300 A0). Hệ thiết bị này cho phép thực hiện một số nghiên cứu mới và lý thú trong ngành vật lý thiên văn như sau: 1) chụp ảnh các thiên hà, tinh vân, hệ sao đôi; theo dõi các cơn bão và các hoạt động diễn ra trên bề mặt của một số hành tinh ở gần Trái đất trong Hệ Mặt trời như Sao Mộc, Sao Hỏa; theo dõi hoạt động của Mặt Trời; 2) Quan sát các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời dựa vào phép đo biến đổi độ sáng do che khuất hoặc phép đo dịch chuyển phổ tương ứng với độ lớn vận tốc xuyên tâm của hệ vật thể thiên văn với độ chính xác lý thuyết từ 40 m/s đến 60 m/s.

TH(Đinh Phượng)

Nguồn tin: "TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM"