08:05 EDT Thứ năm, 28/03/2024
Chào mừng các bạn đến với Website tỉnh đoàn Điện Biên!

ĐĂNG NHẬP

LIÊN KẾT SITE

huy hiệu đoàn
Cập nhật thông tin mới covid-19
Khởi sự doanh nghiệp
TW Hội DNT VN
TW Hội TTT VN
VNPT

Trang nhất » Tin tức » BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Thủ đoạn “đục nước béo cò” phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch

Thứ sáu - 21/05/2021 03:59
Càng gần đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị càng ra sức chống phá, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta. Không còn cơ hội “tự ứng cử” vào Quốc hội và HĐND các cấp, chúng bèn tung trên mạng xã hội, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, tán phát cái gọi là “thư ngỏ”, “thư kiến nghị”, “góp ý”, “lời tâm huyết”... với mục đích làm "đục nước béo cò”. Những luận điệu này được che đậy dưới những thủ đoạn tinh vi. Nếu ai mất cảnh giác, có thể lầm tưởng, thậm chí bị dẫn dắt và tin theo.




Ảnh minh họa.

Từ các màn kịch “tự ứng cử”...

Từ cuối năm 2020, một số người tự xưng là “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động xã hội vì dân” đã lên mạng xã hội tuyên bố hùng hồn rằng sẽ “ra tranh cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và kêu gọi mọi người “hãy ủng hộ” kèm theo những lời hứa, như: “Nếu trở thành ĐBQH tôi sẽ đấu tranh cho quyền lợi của dân”, “Tôi sẽ xây dựng những dự án luật vì dân”, “Tôi sẽ giám sát ...”, “Tôi sẽ quyết định...” như thể họ là siêu nhân. Có người còn trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài thể hiện “quyết tâm trở thành ĐBQH” với hy vọng hão huyền nếu trúng cử sẽ biến Quốc hội trở thành diễn đàn cho họ thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây rối hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và của Nhà nước nói chung, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ngay trong cơ quan dân cử của nước ta.

Đến thời điểm đăng ký ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, đã có không ít người nộp hồ sơ tự ứng cử. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã nêu rất rõ quy trình để người nộp hồ sơ trở thành ứng cử viên ĐBQH. Trước hết, người nộp hồ sơ ứng cử phải là công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên. Thời gian nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử. Người ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại ủy ban bầu cử cấp tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên. Sau khi nhận và xem xét hồ sơ, nếu thấy hợp lệ theo quy định thì ủy ban bầu cử chuyển hồ sơ ứng cử của người ứng cử đến Hội đồng Bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đến ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ hai. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai là để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, người ứng cử chưa phải là ứng cử viên chính thức bởi người ứng cử phải bảo đảm có sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Người ứng cử nếu không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba tiếp tục thảo luận, lựa chọn và thỏa thuận lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử.

Như vậy, những người nộp hồ sơ ứng cử phải qua các bước nói trên, khi đủ tiêu chuẩn mới trở thành ứng cử viên chính thức. Vậy mà một số người mới nộp hồ sơ tự ứng cử, chưa trở thành ứng cử viên nhưng đã ngang nhiên lên mạng xã hội tự cho mình là “ứng cử viên ĐBQH” để rầm rộ các hoạt động mà họ gọi là “tranh cử”, như: “Đối thoại với cử tri”, “tranh luận cùng các ứng cử viên”... thực chất là các hoạt động nói xấu chế độ nhằm gieo rắc trong dư luận những quan điểm lệch lạc, sai trái, gây nhiễu loạn thông tin, xuyên tạc thông tin nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại công cuộc đổi mới ở Việt Nam và xin tiền tài trợ từ những người nhẹ dạ cả tin, các tổ chức phản động ở nước ngoài.

Điều đáng lưu ý là một số tổ chức phản động và các trang tin điện tử, mạng xã hội thiếu thiện chí cũng cố tình đánh lừa dư luận bằng cách mập mờ hai khái niệm: Người nộp hồ sơ tự ứng cử và chính thức trở thành ứng cử viên.

Đến khi không được cử tri nơi cư trú tín nhiệm, không có tên trong danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, họ bèn rêu rao trên mạng xã hội và một số trang thông tin nước ngoài rằng, hội nghị cử tri nơi cư trú là nơi để đấu tố, loại bỏ người tự ứng cử và “hệ thống bầu cử Việt Nam thiếu minh bạch và không công bằng”.

Rồi đến khi họ vi phạm pháp luật, bị tạm giam thì lu loa cho rằng “do tự ứng cử ĐBQH mà bị bắt”. Có người còn gửi đơn thư đến một số tổ chức quốc tế “tố cáo” rằng: “Trước ngày bầu cử ĐBQH, chính quyền Việt Nam đang tiến hành đợt đàn áp mới với việc bắt giữ và truy tố các cá nhân là các ứng cử viên độc lập”. Cùng với màn diễn “tự ứng cử” để chống phá bầu cử của một số đối tượng tự xưng là “nhà dân chủ”, một số đối tượng chống đối khác lại diễn vở “khóc mướn” khi những “nhà dân chủ” vi phạm pháp luật bị bắt.

Thực tế là từ ngày 27-4-2021 (ngày Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước, trong đó có 9 người tự ứng cử) đến nay chưa hề có ứng cử viên ĐBQH nào bị tạm giam, tạm giữ cả.

... đến các chiêu trò “làm đục nước”

Tuần qua, trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện các “tâm thư”, “lời tâm huyết”, “thư ngỏ gửi cử tri”... với những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt kêu gọi “toàn dân tẩy chay cuộc bầu cử”. Một số tổ chức phản động, phần tử phản động lưu vong từ nước ngoài cũng “gửi lời kêu gọi” đề nghị các cử tri tẩy chay cuộc bầu cử vào ngày 23-5 tới. Chúng ngụy biện đưa ra quan điểm: “Hiến pháp hiện hành của Việt Nam quy định đi bầu cử là quyền công dân. Đã là quyền thì công dân có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Không có quy định nào bắt buộc công dân Việt Nam phải tham gia đi bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp”...


Ảnh minh họa.

Có lẽ chúng không biết hoặc cố tình không biết, tại Điều 15 của Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ trong khoản 1: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” và khoản 3: “Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội”. Như vậy đi bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân.

Cũng có người lên mạng xã hội “vận động” không bầu ĐBQH đối với những ứng cử viên do Trung ương giới thiệu bởi “Trung ương xa lắm, có biết họ là ai đâu” và kêu gọi “không biết ai thì không bầu người ấy”... Có lẽ họ không biết Điều 79 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước".

Gần đây, một số đối tượng còn đưa thông tin bịa đặt, bôi nhọ đời tư một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong danh sách ứng cử ĐBQH. Chúng bịa đặt, bôi nhọ về nguồn gốc xuất thân, gia đình, bản thân cán bộ lãnh đạo, từ quá trình trưởng thành đến việc nâng đỡ, ưu ái khuất tất trong quá trình công tác... Thậm chí, chúng còn gán ghép ảnh của các đồng chí lãnh đạo với các hình ảnh về lối sống xa hoa, buông thả, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch... hòng làm cho người xem, người nghe nghi ngờ với những thông tin chính thống.

Khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, một số đối tượng lại tiếp tục đưa ra “lời cảnh báo", rằng: "Không nên đến các địa điểm bầu cử vì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là rất cao”. Thực tế là chúng ta luôn cảnh giác cao độ trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nhưng chúng ta đã có các giải pháp an toàn cho ngày bầu cử. Cuối tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thông báo nêu rõ, mục tiêu cao nhất là tập trung bảo đảm và tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23-5 an toàn tuyệt đối về an ninh, trật tự, nhất là chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị trong ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công.

Các địa phương trong cả nước cũng đã và đang xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể cho công tác phòng, chống dịch trong ngày bầu cử. Ngoài thực hiện thông điệp "5K" tại các điểm bầu cử, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đang có ổ dịch đã có thêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với những điểm cách ly, phong tỏa. Không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử. Chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người. Tại mỗi điểm bầu cử, khu bỏ phiếu đều phải có đầy đủ điều kiện phòng dịch, như: Sát khuẩn, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt cử tri, yêu cầu phải đeo khẩu trang y tế, đặt vị trí thùng phiếu đúng khoảng cách an toàn để bảo đảm khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và trong lúc đứng chờ bỏ phiếu.

Để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn

Để ngày bầu cử sắp tới thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân, các cấp, các ngành và các địa phương cần thực hiện tốt những quy định về tổ chức bầu cử. Đặc biệt, cần làm thật tốt công tác tuyên truyền về bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền về bầu cử phải đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Hội đồng Bầu cử quốc gia, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; tạo không khí phấn khởi trong nhân dân; gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của đất nước, bộ, ngành, địa phương, đơn vị và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật về bầu cử, tuyên truyền công tác chuẩn bị bầu cử và không khí dân chủ, đúng pháp luật trong bầu cử, nhất là ý thức tự giác trong thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của cử tri. Các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả; đồng thời kêu gọi cộng đồng và người dân không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 để phát triển kinh tế.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cần đặc biệt coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bầu cử (chuẩn bị tổ chức và quá trình thực hiện, các kịch bản ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19). Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho các ứng cử viên tiến hành vận động bầu cử và tổ chức thật tốt các khâu, các bước tiến tới cuộc bầu cử; vận động cử tri đi bầu với tỷ lệ cao nhất; tổ chức tốt việc niêm yết danh sách cử tri; danh sách, tiểu sử những ứng cử viên ĐBQH, HĐND các cấp; các quy định về trình tự, thể thức, địa điểm bầu cử, thời gian đi bỏ phiếu...

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần biểu dương kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng còn nhiều khó khăn, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Đồng thời rà soát lại kế hoạch bảo đảm an toàn cho công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhất là các kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, y tế; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bão lũ; phòng, chống cháy nổ, an toàn, vệ sinh thực phẩm...

Đi bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi cử tri. Thông qua bầu cử, công dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Vì vậy, thực hiện bầu cử là trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Mọi hành vi tuyên truyền xuyên tạc tính dân chủ, lợi dụng dân chủ để phá hoại cuộc bầu cử; kích động, kêu gọi người dân tẩy chay bầu cử; ngăn cản người dân không tham gia bầu cử, cổ xúy cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ... là vi phạm pháp luật về bầu cử, xâm phạm quyền bầu cử của công dân. Điều 95, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: “Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Chính vì vậy, các cử tri cần tỉnh táo, kịp thời phát hiện, chủ động đấu tranh với các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc bầu cử, góp phần giữ vững ổn định, đóng góp vào thành công trong ngày hội lớn của đất nước. Các cơ quan chức năng của Nhà nước cần tăng cường và kiên quyết đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi “đục nước béo cò”, làm vẩn đục bầu không khí ngày hội của nhân dân./.

Tác giả bài viết: T.H (Tuyengiao.vn)

Nguồn tin: tinhdoandienbien.vn (Lê Phong)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

TIN TIÊU ĐIỂM

app đoàn thanh niên
Xây dựng Đảng
Tuổi trẻ Việt Nam Tiên phong- Bản lĩnh - Đoàn kết
TW Đoàn
TW Hội LHTN VN
Truyền hình thanh niên Điện Biên
Hệ thống văn bản
Tuổi trẻ và pháp luật
Tuổi trẻ với khoa học công nghệ

VIDEO

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 19

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 17


Hôm nayHôm nay : 2930

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 93467

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 6574142