Cảnh giác trước luận điệu “tự do học thuật” phi giai cấp

Theo nhiều học giả phương Tây, “tự do học thuật” được hiểu là “tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội”; hay “Tự do học thuật là sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng”.

Những quan điểm đó đang được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá cách mạng Việt Nam cổ xúy, tung hô. Cùng với đó, họ tổ chức “hội thảo khoa học” bàn về vấn đề này và kêu gọi học sinh, sinh viên Việt Nam đấu tranh cho cái gọi là “đòi quyền tự do học thuật”.

Theo những quan điểm trên thì giáo dục phải đứng ngoài chính trị, nhà nước và giai cấp cầm quyền không được quy định về nội dung giáo dục hay truyền bá, lồng ghép tư tưởng chính trị của mình vào việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai để bảo vệ quyền và lợi ích của chính giai cấp họ.

Tuy nhiên, quan điểm “tự do học thuật” theo ý nghĩa trên chưa bao giờ tồn tại trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp. Kể từ khi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ra đời, giai cấp chủ nô đã xem giáo dục là công cụ để thực hiện mục đích chính trị và bảo vệ nền chính trị, họ đã lợi dụng những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn để thâu tóm quyền lực, lợi dụng kinh thánh, giáo lý của các tôn giáo này để mị dân, ru ngủ, thủ tiêu tinh thần, ý chí phản kháng của quần chúng nhân dân nhằm bảo vệ quyền lợi cho giai cấp mình.


Ảnh minh họa: TTXVN 

 

Sang thời kỳ phong kiến, tầng lớp vua quan, quý tộc, địa chủ đã tìm mọi cách để nhồi nhét vào đầu óc của quần chúng nhân dân tư tưởng “trung quân” (trung với vua); trong dạy học và giáo dục thì coi trọng truyền bá cho người học những tư tưởng xem vua là thiên tử, “lệnh vua là mệnh trời”, “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”.

Trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa, sau khi lợi dụng được quần chúng nhân dân lật đổ chế độ phong kiến, giai cấp tư sản lại một lần nữa ra sức lợi dụng kinh thánh, giáo lý của những tôn giáo lớn hoặc thông qua nền giáo dục tư bản chủ nghĩa để truyền bá những tư tưởng tư sản. Bên cạnh đó, họ còn tung ra những chiêu bài với cái gọi là “tự do”, “dân chủ” theo kiểu hỗn độn trong một khuôn khổ nhất định, khuyến khích lối sống không quan tâm đến xã hội để dễ quản lý và bóc lột.

Nhận thức đúng quan điểm mác-xít về vai trò to lớn của giáo dục

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quán triệt quan điểm của C.Mác: “Lý luận cũng có thể trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng”, những người cộng sản đã làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong phong trào công nhân thế giới, tạo nên một sức mạnh góp phần lật đổ ách thống trị của phong kiến, đế quốc, thực dân. Thực tiễn đã chứng minh rằng, nếu muốn cầm quyền, đảng chính trị (chính đảng) nhất thiết phải có một nền tảng tư tưởng riêng, không được tách rời và cần phải ra sức truyền bá nền tảng tư tưởng đó vào lực lượng quần chúng của mình, trừ khi muốn biến nó thành một đảng hay một tổ chức khác. V.I.Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”, “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”.

Vận dụng trung thành và sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, vai trò vô cùng to lớn của giáo dục. Người chỉ rõ nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của nền giáo dục là “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”.

Chống việc lợi dụng “tự do học thuật” với dụng ý chính trị xấu

Ở Việt Nam, những năm gần đây, nhất là khi Luật Giáo dục đại học năm 2012 được ban hành (sửa đổi, bổ sung năm 2018), nhiều ý kiến trong và ngoài nước cho rằng cần “thúc đẩy tự do học thuật” để đưa nền giáo dục Việt Nam bắt kịp thế giới. Một số ý kiến còn đưa ra những dẫn chứng về cơ sở pháp lý cho rằng tự do học thuật được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Họ đã trích Điều 25 Hiến pháp năm 2013 của nước ta: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” và luận giải rằng, quyền tự do học thuật hàm chứa trong quyền tự do ngôn luận đã được hiến định từ lâu. Họ còn trích khoản 3, Điều 32 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định: “Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn”; khoản 7, Điều 55 của Luật này quy định giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học” và cho rằng cách diễn đạt này thể hiện tinh thần của quyền tự do học thuật.

Trên thực tế, Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam chưa có một văn bản nào quy định về tự do học thuật theo kiểu “tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội”, mà chỉ quy định về việc tự do ngôn luận, tự chủ về việc giáo dục, đào tạo theo luật định. Khoản 11, Điều 1 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định: “Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học”. Khoản 7, Điều 55 của Luật này cũng quy định: Giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội”.

Như vậy, những quy định của Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định rõ các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ trong việc ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học-công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật và những chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của xã hội Việt Nam, phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội Việt Nam, hoàn toàn không quy định về việc người dạy và người học có thể tự do bày tỏ quan điểm, nghiên cứu những vấn đề không chịu sự ràng buộc của quan điểm chính trị hay tôn giáo.

Tự do học thuật ở Việt Nam cần được hiểu là việc người dạy và người học có quyền lựa chọn những vấn đề nghiên cứu, phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của con người mới xã hội chủ nghĩa và quy định của pháp luật Việt Nam vì mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam; phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tỉnh táo để đi đúng hướng

Thực chất việc “thúc đẩy tự do học thuật” mà các thế lực thù địch rêu rao là đặt giáo dục ra ngoài chính trị, nhưng đây chính là một thủ đoạn nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại văn hóa và truyền thống của dân tộc ta, làm cho giáo dục không thể thực hiện được chức năng giáo dục nhân cách, chức năng định hướng tư tưởng, xây dựng niềm tin cho người học. Chính vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là những người làm công tác giáo dục cần phải hết sức tỉnh táo để công cuộc đổi mới nền giáo dục Việt Nam đi đúng hướng.

Giáo dục là công cụ sắc bén nhất để bảo vệ chính trị, là vấn đề cốt lõi, quyết định đến sự tồn tại, phát triển của một quốc gia, dân tộc; chính giáo dục cùng với hệ thống pháp luật làm cho hệ tư tưởng của giai cấp thống trị trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên hiểu đúng vai trò của giáo dục đối với sự tồn vong của chế độ, với sự tồn tại, phát triển của quốc gia, dân tộc, hiểu đúng ý nghĩa của thuật ngữ “tự do học thuật” và việc thực hiện quyền tự chủ trong học thuật của các cơ sở giáo dục.

Trong đổi mới giáo dục và thực hiện quyền tự chủ về học thuật, các cơ sở giáo dục-đào tạo cần tuân thủ nghiêm túc những quy định của Hiến pháp và pháp luật; việc đổi mới và thực hiện quyền tự chủ về học thuật phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa Mác-Lênin được cấu thành bởi 3 bộ phận là triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Trước đây, 3 bộ phận này được tổ chức giảng dạy bài bản, chuyên sâu trong chương trình đào tạo đại học. Tuy nhiên những năm gần đây, do giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, một số cơ sở giáo dục đã và đang có biểu hiện xem nhẹ việc giảng dạy 3 môn học quan trọng này. Mặt khác, việc lựa chọn các môn lý luận tự chọn của sinh viên hiện nay chủ yếu dựa vào cảm tính và tự tìm hiểu qua các lớp học trước nên động cơ, thái độ học tập của các em có thời điểm chưa đúng đắn, chưa tích cực.

 

Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục cần cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định tên của môn học, việc cắt giảm thời lượng lý thuyết, nhất là thời lượng dạy học 3 môn cấu thành nên Chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời làm tốt công tác quy định, định hướng cho việc lựa chọn các môn học tự chọn, các nội dung nghiên cứu của người học. Trong tình hình hiện nay, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc giảng dạy, giáo dục lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin trong các cơ sở giáo dục đại học cũng là một giải pháp hữu hiệu để góp phần phòng ngừa việc lợi dụng “tự do học thuật” nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng./.