03:04 EDT Thứ bảy, 27/04/2024
Chào mừng các bạn đến với Website tỉnh đoàn Điện Biên!

ĐĂNG NHẬP

LIÊN KẾT SITE

huy hiệu đoàn
Cập nhật thông tin mới covid-19
Khởi sự doanh nghiệp
TW Hội DNT VN
TW Hội TTT VN
VNPT

Trang nhất » Tin tức » THEO DẤU CHÂN BÁC

Hồn cốt dân tộc Thái đen được lưu truyền bởi những con người nặng lòng với văn hóa

Thứ hai - 06/02/2023 08:47
Nhiều người con dân tộc Thái, những nghệ nhân ưu tú đang lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa cổ của cộng đồng người Thái ngành Thái đen ở vùng đất Mường Then.



 
Tòng Văn Hân: 20 năm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Thái đen
Từ trung tâm TP. Điện Biên Phủ với hành trình vượt hàng chục km ngược Quốc lộ 279 rồi men theo cung đường liên xã hướng đi xã Pa Thơm, chúng tôi đến gặp anh Tòng Văn Hân (sinh năm 1972), người dân tộc Thái đen ở bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trong một buổi chiều muộn. Gần 20 năm qua, anh đã nghiên cứu, sưu tầm văn hóa ngành Thái đen, xuất bản thành sách với mong muốn thế hệ mai sau sẽ có những tài liệu chân thực nhất về những nét văn hóa đặc sắc riêng có của dân tộc mình.


Anh Tòng Văn Hân đã có gần 20 năm làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái đen.
         
Kể lại những tháng ngày mới bắt tay vào công việc sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu phong tục, tập quán, nét văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Thái đen từ hồi còn thanh niên, anh cho biết đó như một cái duyên vì ông nội anh vốn là một thầy mo của bản làng, truyền dạy cho anh nhiều kiến thức về các nghi thức của dân tộc Thái. Càng đi sâu vào tìm hiểu, anh càng nhận ra kho tàng văn hóa ngành Thái đen bao la, đồ sộ và độc đáo, mang tính đặc trưng, nhận diện rất riêng so với các dân tộc khác. Vì lẽ đó, anh “nghiện” công việc này từ khi nào không hay. Tuy nhiên thời điểm đó, anh mới chỉ viết bài gửi đăng báo và các tạp chí. Đến năm 2003, công việc nghiên cứu mới bắt đầu đi vào chuyên sâu. Ban đầu, anh chọn loại hình thực hành tín ngưỡng của đồng bào Thái đen để sưu tầm, nghiên cứu. Năm 2009, khi trở thành hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tên tuổi và tài năng của anh bắt đầu được khẳng định trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân tộc.
Với vốn kiến thức phong phú về văn hóa dân tộc Thái đen đã tích lũy qua nhiều năm, anh Hân khiến nhiều người bất ngờ về ý nghĩa của quả còn, một vật được dùng phổ biến trong trò chơi “tung còn” truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc mỗi dịp bản làng tổ chức lễ hội, du xuân. Anh cho biết, quả còn cũng có quá trình hình thành, phát triển, mang tâm hồn, tính cách và chứa đựng thông điệp tự sự, tình cảm của chủ thể cầm nắm nó trong mùa lễ hội. Quả còn còn là “bảo chứng tình yêu” trong đám cưới, là “vật thiêng” trong trong lễ tục vòng đời của người Thái đen. Năm 2012, anh đã xuất bản công trình “Quả còn của người Thái đen ở Mường Thanh”, đánh dấu sự thành công ban đầu trên con đường nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Đại: Hơn nửa đời người dành cho văn hóa dân tộc Thái
Dành hơn nửa cuộc đời để sưu tầm chữ Thái cổ và những nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái, bà Lương Thị Đại ở xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể bởi những cống hiến của bà trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.


Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Đại dành hơn nửa cuộc đời để sưu tầm chữ Thái cổ
và những nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái.
         
Miệt mài đọc, dịch, ghi chép lại những tài liệu chữ Thái cổ bên chiếc bàn nhỏ trước hiên nhà sàn hằng ngày, công việc này, bà Đại đã dành hơn nửa đời người để theo đuổi.Những tập giấy dó nhàu nhĩ, sờn mòn, bạc màu theo năm tháng khiến những dòng chữ nhòe đi, khó đọc. Đôi mắt của lão nghệ nhân nhiều khi phải mở căng mới có thể đọc được.
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lương Thị Đại cho biết: "Chúng tôi quan niệm chữ Thái cổ là chìa khóa để mở những vốn quý văn hóa của dân tộc. Nhờ người Thái có chữ nên chúng tôi gìn giữ được rất nhiều tư liệu quý của cha ông. Nếu mình không thu thập, gìn giữ cho con cháu mai sau thì sẽ mất hết".
Hơn thế kỷ qua, hễ nghe ở bản làng nào có những bản chữ Thái cổ, có người còn biết những nghi lễ của tổ tiên xa xưa là bà Đại tìm đến với hành trang là giấy, bút, máy ghi âm, máy ảnh. Tư liệu mà bà thu thập là các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán sinh sống của người Thái đã và đang dần mất đi.
Từ năm 1963, khi đang công tác ở Phòng sưu tầm văn hóa của Ty Văn hóa Lai Châu cũ cho đến nay, bà Đại đã giữ lại được hàng ngàn sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của người Thái, cho xuất bản gần 10 đầu sách viết về phong tục tập quán và tác phẩm văn học cổ dân tộc Thái nổi tiếng, như: “Tang lễ người Thái” (nghiên cứu, dịch thuật); “Tạo Sông Ca, nàng Si Cáy” (truyện thơ cổ, song ngữ Thái - Việt), “Lời ca trong lễ hội xên bản, xên mường của người Thái” (Nghiên cứu), “Xên phắn bẻ”… Với những cống hiến đó, năm 2015, NNƯT Lương Thị Đại được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NNƯT loại hình tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội và tín ngưỡng đầu tiên của tỉnh Điện Biên. Đầu năm 2017, bà được tặng Giải thưởng Nhà nước cho 3 tác phẩm sách quan trọng.

Tác giả bài viết: Thanh Bình - Ban Xây dựng Đoàn

Nguồn tin: tinhdoandienbien.vn (Lê Phong)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

TIN TIÊU ĐIỂM

app đoàn thanh niên
Xây dựng Đảng
Tuổi trẻ Việt Nam Tiên phong- Bản lĩnh - Đoàn kết
TW Đoàn
TW Hội LHTN VN
Truyền hình thanh niên Điện Biên
Hệ thống văn bản
Tuổi trẻ và pháp luật
Tuổi trẻ với khoa học công nghệ

VIDEO

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 15


Hôm nayHôm nay : 2997

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 106674

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 6692955