04:50 ICT Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng các bạn đến với Website tỉnh đoàn Điện Biên!

ĐĂNG NHẬP

LIÊN KẾT SITE

huy hiệu đoàn
Cập nhật thông tin mới covid-19
Khởi sự doanh nghiệp
TW Hội DNT VN
TW Hội TTT VN
VNPT

Trang nhất » Tin tức » THEO DẤU CHÂN BÁC

Phát huy quyền và trách nhiệm cử tri trong bầu cử theo lời căn dặn của Bác Hồ

Thứ hai - 19/04/2021 14:52
Ngày 23 tháng 5 tới đây, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện thành công cuộc bầu cử, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần ghi nhớ và làm theo lời căn dặn của Bác:“… Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.

Bầu cử là “ngày hội non sông”

Trong buổi thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu Nhân dân Thủ đô ngày 14 tháng 4 năm 1964, nhân bầu cử Quốc hội khóa III, Bác cho biết, bản thân Người đã làm đại biểu Quốc hội gần 20 năm, nhưng vì nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng nên vẫn chưa thể thảnh thơi vui thú thanh nhàn được. Bác hứa: “Cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất nước nhà, phấn đấu cho: Nam Bắc sum họp một nhà, cho người thấy mặt thì ta vui lòng”. Và Bác căn dặn: “…Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.

Nhìn lại quãng thời gian cách đây 76 năm, ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị sớm có một cuộc bầu cử để thông qua Hiến pháp, Người nói: “… Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải có tổ chức càng sớm càng hay, cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(1).

Khi được Chính phủ ủng hộ, toàn dân tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, ngày 5/1/1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: “… Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày sung sướng của đồng bào ta và ngày mai là ngày tổng tuyển cử… Ngày mai tất cả các bạn cử tri nhớ đi bầu cử. Ngày mai mọi người đều vui vẻ hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do”(2).

Theo Bác, việc đi bầu cử là quyền lợi của mỗi người dân, mà quyền lợi cao nhất, lớn nhất chính là được thể hiện rõ ràng tư thế của một người dân độc lập, tự do. Vì vậy, Bác không dùng lời lẽ quá trịnh trọng để kêu gọi đồng bào đi bỏ phiếu, Người chỉ căn dặn là đồng bào “phải nhớ đi bầu cử” và “mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. Việc đi bầu cử không chỉ là niềm vui cá nhân mà trở thành niềm vui của dân tộc, của đất nước, đó là sẽ góp phần “đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”.

Trong bài “Ý nghĩa của Tổng tuyển cử” đăng trên Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945, Người viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”(3).

Bác cũng từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”(4). Người căn dặn: “…dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước”(5). “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”(6).

Bản thân Bác trên cương vị là Chủ tịch nước nhưng vẫn đi bỏ phiếu bầu cử như người dân bình thường. Chúng ta có thể thấy hình ảnh Bác vui vẻ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội ngày 6/1/1946 ở thùng phiếu tại nhà số 10 Hàng Vôi, Hà Nội (phố Lý Thái Tổ hiện nay) và đi thăm nhiều địa điểm bầu cử khác sau đó trong không khí tưng bừng, hân hoan của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Hình ảnh Bác nhận lá phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa II, ngày 8/5/1960 và tận tay bỏ vào hòm phiếu; hay hình ảnh Bác tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 27/4/1969, năm cuối cùng Bác bầu cử trước khi qua đời. Cho đến nay, nhiều người dân vẫn nhớ rõ những kỷ niệm không thể quên: “Bác đi đến đâu, nhân dân cũng ùa đến hân hoan, vỗ tay chào đón”.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã nhận thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào khi được thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của người công dân, nghiên cứu và lựa chọn cho mình những đại biểu ưu tú, tiêu biểu về đức - tài để bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, gánh vác trọng trách lớn lao mà nhân dân tin tưởng trao gửi. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn một bộ phận cử tri chưa thật sự coi trọng quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước, chưa nắm rõ quy định của pháp luật về bầu cử, tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn thờ ơđơn giản, bầu hộ, bầu thay, đi bỏ phiếu cho xong chuyện, không có sự tìm hiểu, lựa chọn một cách kỹ lưỡng.

Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu phố V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Phát huy quyền và trách nhiệm cử tri theo lời Bác

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là nơi để cử tri cả nước phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Theo Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội khóa XIV, ngày 23 tháng 5 tới đây là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, ngoài công tác tổ chức của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương thì việc tham gia thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm bầu cử của công dân là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng.

Thực tế hiện nay, quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử ngày càng được tổ chức chặt chẽ hơn. Các đơn vị, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đã đề cử các ứng cử viên đảm bảo các điều kiện để tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Việc lựa chọn các đại biểu chính thức trong số các ứng cử viên sẽ trở nên khó khăn hơn vì hầu hết họ đều có trình độ, năng lực và uy tín xã hội cao. Việc này đòi hỏi cử tri phải hết sức quan tâm theo dõi trên những phương tiện thông tin đại chúng, tích cực tìm hiểu thông tin về ứng cử viên trước khi đưa ra quyết định bầu chọn. Trong nhiều cuộc bầu cử trước đây, chính nhờ vào các phiên tọa đàm của nhân dân từ cơ sở đã không chỉ đem lại kết quả thành công mà còn nâng cao ý thức của người dân khi tham gia thực hiện quyền bầu cử.

Ghi nhớ lời căn dặn của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân với tư cách là một cử tri cần nhận thức rõ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương nói riêng. Đây là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Phát huy trách nhiệm công dân, thực hiện tốt các quy định trong việc ứng cử, đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu theo Luật Bầu cử. Theo đó, mỗi cử tri cần hiểu rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Tích cực tham gia giới thiệu và nhận xét đối với người ứng cử trong hội nghị cử tri. Nghiên cứu nắm vững quy trình, cách thức ứng cử, đề cử, bầu cử, các nguyên tắc bầu cử, từ đó, có sự xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có kiến thức, năng lực phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân với cơ quan dân cử. Kiên quyết “không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”(7).

Cử tri cần cố gắng khắc phục khó khăn, sắp xếp hợp lý công việc của cơ quan, gia đình, tự mình đi bầu cử, tự viết phiếu bầu và bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu thay khi mình có đủ điều kiện đi bầu cử. Trường hợp cần thiết viết hộ người khác phải tuyệt đối giữ bí mật phiếu bầu của cử tri. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì được nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Tuân thủ theo nội quy phòng bỏ phiếu, ghi nhớ hướng dẫn của Tổ bầu cử, tránh sai sót khi bầu. Khắc phục các hiện tượng qua loa, đại khái, bầu cho qua chuyện, không xem xét kỹ lưỡng trước khi bầu.

Ngày bầu cử càng đến gần, nhiều tổ chức phản động lưu vong và một số cá nhân, hội nhóm chống đối trong nước đang tiến hành mạnh mẽ các hoạt động xuyên tạc bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta. Chúng kích động, cổ súy các hành vi trái luật liên quan bầu cử, lôi kéo số chống đối tự ứng cử tràn lan, xuyên tạc các quy định về bầu cử, mua chuộc cử tri, gây mất an ninh trật tự, phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới. Vì vậy, cử tri cần hết sức tỉnh táo, chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình tiếp xúc với người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, làm cơ sở cho cử tri thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình, xem xét, cân nhắc, lựa chọn những người thật sự xứng đáng vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Điều quan trọng là thu hút người dân quan tâm một cách thực sự đến hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp, đến việc lựa chọn người đại diện cho mình, cân nhắc kỹ lưỡng các ứng cử viên.

Hiện cả nước đang tích cực chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ý nghĩa của lời căn dặn của Bác còn nguyên vẹn và vẫn đẫm tính thời sự. Việc bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước mới sẽ góp phần quan trọng vào việc cụ thể hóa những quyết sách xây dựng đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước ta bước vào một thời kỳ mới. Mỗi lá phiếu của cử tri đều mang sứ mệnh cao cả là “viên gạch hồng” góp phần xây dựng đất nước. Học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phải thể hiện tích cực quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong bầu cử. Có như vậy, mới góp phần làm ngày bầu cử thực sự là “một ngày vui sướng của đồng bào ta”, thực sự là “một ngày hội non sông”!

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.7.

2.  Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.166-167.

3.  https://bqllang.gov.vn: Một số bài viết, bài nói và bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bầu cử Quốc hội nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Tổng tuyển cử. 8/1/2013

4.  “Bài nói với Đại biểu nhân dân Thủ đô trong cuộc ra mắt các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa III ở Hà Nội”, Báo Nhân Dân, ngày 15/4/1964.      

5.  Lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB chính trị Quốc gia, 2002.

6.  Tài liệu đã dẫn, số 3.

 

7.  https://thuvienphapluat.vn: Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW, ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.  

Tác giả bài viết: HCM.VN

Nguồn tin: tinhdoandienbien.vn (Đinh Phượng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

TIN TIÊU ĐIỂM

app đoàn thanh niên
Xây dựng Đảng
Tuổi trẻ Việt Nam Tiên phong- Bản lĩnh - Đoàn kết
TW Đoàn
TW Hội LHTN VN
Truyền hình thanh niên Điện Biên
Hệ thống văn bản
Tuổi trẻ và pháp luật
Tuổi trẻ với khoa học công nghệ

VIDEO

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 5

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 4


Hôm nayHôm nay : 561

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 95159

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 6575834